Phục hồi chức năng giãn tĩnh mạch chi dưới
Giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh mãn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm, phục hồi chức năng giãn tĩnh mạch chi dưới sau điều trị là cực kỳ quan trọng giúp cho bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.
1. Giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh gì?
Giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng bệnh có sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân gây ra việc máu bị ứ đọng lại sẽ làm biến đổi về chức năng huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh tĩnh mạch, do đó xuất hiện các dấu hiệu như nhức chân, cảm giác nặng nề ở chân, phù chân, tê dị cảm, như kiến bò,...
Giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng rất khó điều trị dứt điểm và có khả năng gây nguy hiểm cho người bệnh như sạm da, loét vùng chân khó lành (nhất là ở người già), chảy máu, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu,... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
2. Dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới
- Giai đoạn đầu, người bệnh thường có cảm giác đau chân, nặng chân, nhức mỏi chân khi phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Người bệnh thường bị chuột rút (vọp bẻ) vào buổi tối, cảm giác tê chân, châm chích như có kiến bò ở vùng cẳng chân, đau ngứa hay cảm giác nóng, bỏng.
- Người bệnh có thể bị phù nhẹ ở vùng mắt cá chân, bàn chân. Triệu chứng này thường gặp khi người bệnh đứng lâu, ngồi nhiều liên tục hoặc xuất hiện vào buổi chiều sau một ngày làm việc.
- Các tĩnh mạch ở vùng cổ chân và bàn chân có thể nổi rõ trong giai đoạn sớm, giai đoạn muộn hơn thì vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, da bị đổi màu do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng, các tĩnh mạch căng phồng gây đau nhức chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da,... nhìn thấy rõ các tĩnh mạch nông dưới da bị giãn to ra và biến dạng ngoằn ngoèo.
- Ở giai đoạn cuối, toàn bộ hệ thống tĩnh mạch bị giãn to gây tình trạng ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng ở vùng da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng khó hồi phục.
3. Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới
Cho đến nay nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ có thể gây giãn tĩnh mạch chi dưới gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ thống các tĩnh mạch ngoại biên như sau:
- Thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình thoái hóa về tuổi tác.
- Người bệnh thường có tư thế sinh hoạt hàng ngày hay làm việc phải đứng hay ngồi lâu một chỗ, ít vận động, phải mang vác nặng,... là yếu tố nguy cơ giúp máu dồn xuống hai chân, từ đó làm tăng áp lực bên trong các tĩnh mạch vùng chân lâu ngày sẽ gây tổn thương chức năng các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị tổn thương sẽ làm giảm khả năng chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, làm ứ máu ở cả hai chân.
- Người bệnh bị béo phì, hạn chế vận động, chế độ ăn ít rau xanh và trái cây.
4. Phương pháp điều trị và phục hồi chức năng
4.1. Mục đích của việc điều trị và phục hồi chức năng
- Dự phòng một số biến chứng hay gặp như huyết khối tĩnh mạch, huyết khối phổi, loét da gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
- Tăng lưu thông tuần hoàn tĩnh mạch, phòng ngừa ứ trệ.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày cho bệnh nhân.
4.2. Một số phương pháp điều trị và phục hồi chức năng
4.2.1. Dùng băng thun để băng ép vùng tĩnh mạch bị giãn
Phương pháp này có tác dụng làm giảm quá trình tiến triển giãn nở các tĩnh mạch chi dưới. Tuy nhiên, cách này có thể làm người bệnh khó chịu khi thực hiện trong thời gian dài, nhất là khi phải thường xuyên băng ép trong thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam.
4.2.2. Các phương pháp vật lý trị liệu
Nếu có hiện tượng viêm tĩnh mạch:
- Chống viêm bằng cách sử dụng các loại sóng ngắn, chế độ xung, liều không nóng.
- Chống tình trạng phù nề bằng cách nâng cao chân khi ngủ, co cơ tĩnh hoặc vận động khớp các ngón chân, bàn chân, cổ chân khi ngồi hoặc đứng lâu.
- Không dùng các phương pháp nhiệt, không xoa bóp và vận động mạnh ở giai đoạn tĩnh mạch đang bị viêm và đau, vì làm như vậy có thể có nguy cơ làm các cục máu đông chảy ngược về tuần hoàn tim phổi gây tắc nghẽn tại đó.
Sau khi hết triệu chứng viêm:
- Xoa bóp nhẹ nhàng vuốt ve.
- Tập các bài tập vận động chủ động tự do các khớp háng, gối, cổ chân trong tư thế nâng cao chân hay duỗi thẳng chân lên phía trên.
- Tránh ngồi, đứng liên tục, lâu, nên vận động thay đổi tư thế khoảng từ 30 đến 60 phút một lần, có thể phối hợp các bài tập vận động chân để giúp máu được lưu thông tốt hơn.
- Luyện tập cách đi bộ nhanh, hít thở đều và sâu, có khoảng nghỉ giãn cách.
- Khi ngủ nên kê cao chân.
- Chế độ ăn giàu trái cây rau tươi nhiều vitamin, nhiều chất xơ,... hạn chế ăn nhiều thịt cá và tinh bột.
- Tránh táo bón và béo phì.
4.2.3. Sử dụng thuốc
- Người bệnh có thể dùng các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch như Daflon, Ginkor Fort,... làm giảm sự ứ trệ của tĩnh mạch, tăng tính thấm của các mao mạch, làm săn chắc thành mạch, giúp kìm hãm các chất gây viêm tại chỗ.
- Trong các trường hợp đã có biến chứng thiểu dưỡng và loét ở chân, ngoài điều trị như trên, người bệnh thường được bác sĩ điều trị chỉ định thêm việc chăm sóc vết loét, kháng sinh chống bội nhiễm,...
5. Các điều trị khác
- Sử dụng nhiệt bằng cách sử dụng các sóng cao tần hoặc chiếu tia Laser.
- Làm thành mạch các tĩnh mạch nông bị xơ cứng bằng cách dùng thuốc.
- Phẫu thuật: Loại trừ hiện tượng dồn máu ngược từ tĩnh mạch đùi ra tĩnh mạch hiển trong, cắt bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn, khâu buộc các tĩnh mạch qua da,...
6. Một số bài tập phục hồi chức năng giãn tĩnh mạch chi dưới
Các bài tập ở tư thế nằm, mỗi bài tập thực hiện từ 2 đến 3 lần mỗi ngày:
- Gấp và duỗi ở tư thế nằm: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường cách khoảng 15 đến 20cm sau đó tập duỗi khớp cổ chân, rồi gấp khớp cổ chân tối đa từ 10 - 15 lần. Đưa chân trái về tư thế ban đầu, tập tương tự như vậy đối với chân phải.
- Xoay khớp cổ chân: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 15 - 20cm, sau đó từ từ xoay khớp cổ chân từ phải sang trái rồi ngược lại, tập như vậy từ 10 - 15 lần. Đưa chân trở lại mặt giường, chân phải tập tương tự như vậy.
- Bắt chéo chân: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng hai chân lên khỏi mặt giường rồi bắt chéo chân trái qua chân phải rồi ngược lại từ 10 - 15 lần. Đưa hai chân về tư thế ban đầu trên mặt giường.
- Đạp xe đạp: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, đưa cao hai chân lên cao, gấp khớp háng và khớp gối rồi tập như đang đạp xe đạp, tập động tác đó liên tục từ 10 - 15 lần. Đưa hai chân về tư thế ban đầu trên mặt giường.
Các bài tập ngồi trên ghế, mỗi bài tập thực hiện từ 2 đến 3 lần mỗi ngày:
- Nâng cẳng chân: Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng phải thẳng đứng, toàn bộ cơ thể dồn vào hai mông và hai chân. Đưa chân phải lên cao, rồi duỗi thẳng chân phải, đưa chân phải về lại vị trí, làm tương tự với chân trái, mỗi chân từ 10 - 15 lần, sau đó tập cả 2 chân.
- Nhón gót chân: Người tập ngồi trên ghế với chiều cao vừa phải sau đó thực hiện bài tập nhón gót chân luân phiên lần lượt mỗi chân, khi đã quen rồi thì dùng cả hai chân cùng một lúc, tập từ 10 - 15 lần.
- Gấp và duỗi khớp cổ chân: Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp như bài tập ở trên sau đó nâng chân trái lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng rồi tập gấp và duỗi khớp cổ chân trái đến mức tối đa (hết tầm vận động) từ 10 - 15 lần, rồi đưa chân trái về vị trí ban đầu, tập tương tự với chân phải từ 10 - 15 lần.
- Xoay khớp cổ chân: Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà cách nhau khoảng 20cm, sau đó nâng mũi bàn chân phải lên khỏi sàn nhà chỉ có gót chân sát trên sàn nhà rồi tập xoay khớp cổ chân vào trong, ra ngoài từ 10 - 15 lần, rồi tập tương tự với chân trái và cả hai chân.
- Gấp, duỗi luân phiên hai chân: Người tập ngồi trên ghế, thực hiện tập nhấc từng chân lên khỏi sàn nhà khoảng 15 - 20cm, gấp các khớp như cổ chân, khớp gối, khớp háng rồi duỗi thẳng chân đó ra, tiếp tục tập như vậy từ 10 - 15 lần, rồi tập tương tự với chân còn lại.
- Trường hợp do tính chất công việc, người bệnh phải ngồi yên một chỗ từ 30 phút đến 1 giờ nên làm các bài tập trên ít nhất 1 lần.
Giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh mạn tính, tiến triển chậm nhưng giai đoạn muộn có thể gặp những biến chứng nguy hiểm nên cần theo dõi, hướng dẫn người bệnh điều trị và tập luyện thường xuyên, tái khám định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng.