Phục hồi chức năng sau đột quỵ, cải thiện di chứng nguy hiểm

Ngày đăng: 08/04/2024 07:16 PM

    1. Vai trò của phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

    Phục hồi chức năng sau đột quỵ là phương pháp giúp người bị đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) khôi phục lại các chức năng đã bị mất, giúp họ tham gia vào những sinh hoạt hằng ngày và có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.

    Cụ thể vai trò của phục hồi chức năng cho người tai biến rất quan trọng:

    1. Giúp nâng cao tầm vận động, tăng cường lực cơ.
    2. Cải thiện khả năng ngôn ngữ.
    3. Cải thiện tình trạng yếu nửa người/liệt nửa người.
    4. Khôi phục khả năng giữ thăng bằng và di chuyển.
    5. Thực hiện các sinh hoạt hàng ngày một cách độc lập.
    6. Giảm cảm giác mặc cảm, tự ti ở người bệnh; giúp họ sống vui vẻ và lạc quan.
    7. Xử lý và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

     

    Phục hồi chức năng sau cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não) đóng vai trò quan trọng ngang bằng với việc phòng ngừa và điều trị.

     

    2. Thời gian vàng để phục hồi chức năng sau đột quỵ

    Hành trình phục hồi của bệnh nhân sau đột quỵ thường trải qua 4 giai đoạn:

    1. Giai đoạn cấp (0 – 24 giờ) 
    2. Giai đoạn phục hồi sớm (24 giờ – 3 tháng)
    3. Giai đoạn phục hồi muộn (3 – 6 tháng) 
    4. Giai đoạn mãn tính (> 6 tháng).

    Như vậy, người bệnh sau đột quỵ não cần tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định hoặc 3 – 4 ngày (kể từ sau đột quỵ). Giai đoạn để theo dõi kết quả phục hồi chức năng rõ nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ. Sau đó, từ tháng thứ 6 đến 1 năm thì hiệu quả chậm dần và ổn định hẳn.

    Sự hồi phục sau đột quỵ ở mỗi người là khác nhau, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố:

    1. Khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể.
    2. Các phương pháp chăm sóc chuyên biệt: sự can thiệp của y học, luyện tập Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng.

    Một số người bệnh sau đột quỵ có thể tự hồi phục một phần, nhưng phần lớn người bệnh cần được áp dụng phục hồi chức năng để đạt hiệu quả nhanh chóng.

     

    Người thân cũng có vai trò rất quan trọng trong việc động viên và hỗ trợ người bệnh đột quỵ phục hồi chức năng.

     

    3. Phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ

    Dưới đây là một số phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ được áp dụng phổ biến:

    3.1. Tập luyện phục hồi chức năng

    Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân sau đột quỵ não cần phải tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định. Thông thường, các bài tập bao gồm bài tập gia tăng sức mạnh cơ, bài tập tăng khả năng chịu sức nặng trên chân yếu, bài tập giữ thăng bằng ở vị thế ngồi, đứng và đi hay bài tập chủ động ở các khớp.

    Tuy nhiên, một số trường hợp do tự tập luyện sai hoặc điều trị tại địa chỉ mà bác sĩ không có đủ trình độ chuyên môn, có thể gây ra hậu quả xấu, nguy cơ cao bị tê liệt vận động vĩnh viễn. Vì vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được xây dựng riêng từng bài tập dựa vào mức độ tổn thương do bệnh và thể trạng của bản thân. Đồng thời, tại các cơ sở y tế uy tín, bệnh nhân còn được các chuyên viên vật lý trị liệu hỗ trợ điều chỉnh tư thế đúng cách, mau chóng lấy lại khả năng vận động.

     

    3.2. Châm cứu

    Châm cứu tác động trực tiếp lên huyệt vị bằng kim châm, giúp tăng cường lưu thông khí huyết. Hiệu quả giúp phục hồi các di chứng sau tai biến mạch máu não thông qua năm cơ chế sau:

    1. Châm cứu thúc đẩy sự tăng sinh tế bào trong hệ thần kinh trung ương sau tai biến. Châm cứu giúp tăng tái tạo tế bào thần kinh và thúc đẩy sự tăng sinh tế bào ở mô não thiếu máu cục bộ.
    2. Châm cứu điều hoà tưới máu cho vùng não bị tổn thương.
    3. Châm cứu giúp ngăn chặn các yếu tố gây chết tế bào theo chương trình.
    4. Châm cứu điều hoà các hoá chất thần kinh như: hoá chất dẫn truyền thần kinh, oxy hoá, chống viêm, yếu tố nuôi dưỡng thần kinh,…
    5. Cải thiện trí nhớ nhờ tăng cường hoạt động của các synap thần kinh tại vùng hải mã.

    Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam báo cáo những tác dụng tích cực của châm cứu trong phục hồi các di chứng sau tai biến. Theo đó, châm cứu giúp phục hồi yếu liệt, rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân. Ngoài ra một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc phối hợp châm cứu và phục hồi chức năng, hiệu quả phục hồi sẽ càng tăng.

    Mặc dù vậy, việc châm cứu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh như xuất hiện vết bầm tím, sưng đau, thậm chí xuất hiện tình trạng chảy máu tại vị trí châm. Vì vậy bệnh nhân nên chọn những cơ sở y tế uy tín để điều trị, tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn.

     

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Tiktok
    Zalo
    Hotline
    google-site-verification: googlef3a398100e142756.html